HUYỀN BÍ DINH MỘ THẦY THÍM LAGI – BÌNH THUẬN |
Dinh mộ Thầy Thím, nghe cái tên thật lạ, nếu những người ở phương xa như chúng tôi chỉ nghe thế thôi đã không hiểu gì. Dinh mộ Thầy Thím trở nên huyền bí vô cùng đối với những người con của vùng đất cát Bình Thuận.
TRUYỀN THUYẾT VỀ DINH THẦY THÍM
Dinh Thầy Tím tọa lạc giữ khu rừng dầu tĩnh mịch trên một khu đất cát trắng, thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Dinh được nhân dân địa phương xây dựng để thờ Thầy Thím – nhân vật mà theo truyền thuyết tại địa phương, là người hiền lành, đức độ, chữa bệnh cứu người nghèo.
Truyền thuyết về Thầy Thím kể rằng: ở vùng đất mới, cuộc sống của Thầy Thím cũng như bao người dân bần hàn, kham khổ khác. Vợ chồng Thầy ở trọ trong nhà ông Hộ Hai. Ngày ngày, vợ chồng Thầy làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cho người. Có điều lạ là lúc nào bên Thầy cũng có một quả bầu khô.
Một hôm, nhân lúc thầy vào rừng đốn củi mà quên đem theo quả bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, vợ chồng Thầy chuyển vào ở hẳn trong rừng để tránh điều tiếng. Tuy nhiên, ở xa nhưng danh tiếng của Thầy vẫn lan rộng, người dân trong vùng tìm đến nhờ Thầy chữa bệnh, bày cho cách làm ăn.
Ngày nay, người ta vẫn chưa thể lý giải và khẳng định về những huyền bí xung quanh truyền thuyết Dinh Thầy Thím. Bí ẩn cả một thời kì lịch sử trở thành một giá trị tinh thần, niềm tin thiêng liêng vào nhân nghĩa tâm linh.
Đặc điểm nổi bật của việc thờ cúng ở Dinh Thầy Thím là sự kết hợp hài hòa giữa nét tín ngưỡng miền Trung với niềm tin cháy bỏng của dân miền biển Tam Tân này. Huyền thoại về Thầy Thím còn lưu truyền mãi trong dân gian, ý nghĩa và giá trị của đạo lý, lẽ phải.
Ông Văn Công Sơn, trưởng ban quản lý Dinh Thầy Thím giải thích rằng, Thầy Thím là những con người thật, cuộc sống thật chứ không phải là bậc thành hoàng cai quản một vùng đất. Người dân thờ cúng Thầy Thím là để biết ơn công đức, những việc Thầy làm giúp ích cho dân cho nước chứ không phải một bậc thánh thần huyền bí nào.
Chúng tôi tìm đến khu mộ Thầy Thím ở Bàu Cát để tìm hiểu thêm về bí ẩn sự tích này. Hai chỏm cát được đắp thành hình ngôi mộ nằm kề nhau, phía trước là bàn thờ với khói hương nghi ngút, một cảm giác thâm nghiêm khi vào chốn thâm u của lăng mộ. Những đợt gió không ngừng thổi làm ngọn cây bạch đàn va chạm vào nhau xào xạc. Tương truyền rằng, hai chỏm cát trắng ấy được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế.
Tương truyền rằng, xưa kia, hàng năm, cứ đến ngày mồng năm tháng Giêng âm lịch, người ta lại thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ. Đã nhiều năm nay, khu vực này luôn được bảo tồn, chăm sóc.
Dân làng Tam Tân luôn ý thức và tâm niệm tuyệt đối vào đức tin của Thầy Thím. Một điều chúng tôi cảm thấy ấm lòng là sự tôn sùng vào nhân nghĩa của dân làng nơi đây trở thành nét đẹp về lối sống và nhân cách mỗi con người.
KIẾN TRÚC DINH MỘ THẦY THÍM
Dinh Thầy Thím được xây dựng vào ngày 25/12/1879, kiến trúc theo kiểu đình làng bào gồm: Chính điện (nơi thờ bài vị và các bức hoành ca ngợi công đức của Thầy Thím), nhà thờ Tiền hiền, Võ ca… Cách Dinh khoảng 4km là ngôi mộ của Thầy Thím được đắp bằng cát trắng và ngôi mộ của Bạch Hổ, Hắc hổ, đệ tử trung thành luôn gần gũi bên Thầy Thím.
LỄ HỘI DINH THẦY THÍM
Hàng năm Dinh Thầy Thím tổ chức hai kỳ lễ lớn: lễ Tảo Mộ (nhằm ngày mồng 5 tháng 1 Âm lịch) và lễ Tế Thu (kéo dài từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 Âm lịch). Lễ hội Dinh Thầy Thím thực sự là ngày hội đông vui, nhộn nhịp của nhân dân các tỉnh miền Nam, đây là nét sinh hoạt văn hóa dân gian đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Vào dịp này, rất đông người dân địa phương và du khách đến Dinh để cầu sức khỏe, hạnh phúc gia đình và công việc làm ăn của mình được thuận lợi…
Di tích Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/9/1997.
Facebook Comments